FPT Vào Top Công Ty Công Nghệ Uy Tín Năm 2023

Bảng xếp hạng Top 10 công ty công nghệ uy tín năm 2023 do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố vào ngày 12/6 vừa qua. Theo đó, bảng xếp hạng gồm 2 hạng mục là Top 10 công ty công nghệ thông tin - Viễn thông uy tín năm 2023 và Top 10 công ty công nghệ cung cấp dịch vụ, giải pháp phần mềm và tích hợp hệ thống uy tín năm 2023.

FPT Software và FPT IS lần lượt dẫn đầu ở hạng mục Top 10 công ty công nghệ cung cấp dịch vụ, giải pháp phần mềm và tích hợp hệ thống uy tín năm 2023. 

(Nguồn Vietnam Report, tháng 6/2023)

4 tháng đầu năm 2023, FPT tiếp tục tăng trưởng bền vững với doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt lần lượt 15.749 tỷ đồng và 2.880 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 21,2% và 19,1%. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 2.019 tỷ đồng và 1.841 đồng, tăng 20% và 19,3%. 

Một trong những công ty hàng đầu và lâu đời nhất thế giới trong dịch vụ tài chính, lĩnh vực ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản, J.P.Morgan dự báo tăng trưởng lợi nhuận kép hàng năm của FPT trong giai đoạn 2022 – 2025 sẽ đạt trên 20%. Theo J.P.Morgan, lợi thế cạnh tranh về chi phí, năng lực công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ chuyển đổi số, mở rộng tập khách hàng mới và hợp đồng quy mô lớn, cùng chiến lược toàn cầu hóa sẽ giúp FPT tăng trưởng tốt.

Theo BTC, uy tín của các công ty công nghệ được đánh giá một cách khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp, đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media Coding, khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 5-6/2023. Kết quả khảo sát do Vietnam Report tiến hành vào tháng 3/2023 chỉ ra CNTT-VT dẫn đầu top 7 ngành được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt trong ít nhất 2-3 năm tới với tỷ lệ 63,6% số doanh nghiệp lựa chọn. 

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, doanh thu lĩnh vực Công nghiệp CNTT ước đạt 148 tỷ USD - tăng trưởng 8,7%, số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký khoảng 70.000 - tăng 9,5% so với năm 2021. Kể từ khi thông điệp “Make in Vietnam” được đưa ra, CNTT-VT đã trở thành ngành kinh tế động lực của cả nước, giữ vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số. Tỷ lệ đóng góp vào GDP của lĩnh vực Công nghiệp CNTT cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử đều ghi nhận sự gia tăng so với thời điểm năm 2021 (+8,7% và +11,6%). 

Năm 2022, Việt Nam có tên trong danh sách số ít quốc gia sản xuất được chip trên thế giới, đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cũng dần chuyển hướng từ gia công sang đầu tư cho nghiên cứu phát triển bằng việc thiết lập các trung tâm R&D ở nước ta. Khoảng 60% số doanh nghiệp đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.